160 sự cố liên quan vaccine Covid-19

160 sự cố liên quan vaccine Covid-19

MỸChương trình Lỗi Vaccine Quốc gia hồi tháng 6 báo cáo ghi nhận 160 sự cố liên quan vaccine Covid-19 tại Mỹ, tính từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021.

Trong bản phân tích 160 sự cố, các chuyên gia nhận định sai sót tiêm chủng có thể dẫn đến miễn dịch không đầy đủ, tăng chi phí, giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo phân tích, các sự cố thường gặp về vaccine Covid-19 là sử dụng sai loại hoặc tỷ lệ chất pha loãng; bảo quản vaccine sai; nhầm vaccine do lưu trữ chung; sai liều lượng; sai độ tuổi…

Tiêm chủng là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại song sự thành bại của nó phụ thuộc vào chất lượng quy trình, bao gồm cách bảo quản, kê đơn, cấp phát và sử dụng vaccine. Có nhiều nguyên nhân cơ bản gây ra các lỗi sai liên quan đến vaccine. Theo các chuyên gia, nhà cung cấp dịch vụ và quản lý tiêm chủng nên lường trước các sự cố và chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro.

Sử dụng sai chất pha loãng vaccine là một trong 160 sự cố được báo cáo. Thông thường, vaccine Pfizer cần pha với dung dịch natri clorid 0,9% vô trùng (nước muối không chất bảo quản). Hãng dược khuyến cáo không bao giờ được sử dụng nước muối kiềm khuẩn thông thường hoặc bất cứ loại nước cất tiêm nào khác.

Theo báo cáo, một dược sĩ tại Mỹ đã vi phạm khuyến cáo này, sau đó phải gọi người bệnh tới để tiêm lại.

Khi chuẩn bị vaccine Pfizer, chuyên gia khuyến cáo kiểm tra kỹ quá trình pha loãng thuốc tiêm. Nếu có thể thực hiện trong khung thời gian ổn định ở nhiệt độ phòng, các cơ sở y tế hoặc bác sĩ có thể pha loãng và gắn nhãn sẵn ống tiêm theo ngày.

Lỗi thường gặp khác là dùng sai thể tích chất pha loãng vaccine. Một lọ vaccine Pfizer thể tích 0,45 ml dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, tương đương 6 liều (0,3 ml chứa 30 mcg) vaccine sau pha loãng. Mỗi lọ phải được rã đông và pha loãng với 1,8 ml dung dịch natri clorid 0,9% trước khi dùng. Nếu thêm quá nhiều chất pha loãng vào lọ Pfizer, vaccine có thể giảm hiệu quả. Ngược lại, sử dụng quá ít natri clorid, người dùng có thể gặp tác dụng phụ mạnh hơn.

Trong một số trường hợp, do không nắm được quy trình này, nhân viên y tế đã không pha loãng vaccine. Vào tháng 5, một sinh viên 23 tuổi, người Italy, đã bị tiêm cùng lúc 6 liều Pfizer do sự nhầm lẫn của y tá.

Một bé gái 5 tuổi tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm Mary ở Washington, Mỹ, ngày 3/11. Ảnh: Reuters
Một bé gái 5 tuổi tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm Mary ở Washington, Mỹ, ngày 3/11. Ảnh: Reuters

Sai sót khác liên quan đến khâu bảo quản vaccine, có thể dẫn đến tiêm nhầm. Sau khi rã đông, vaccine Moderna và Pfizer cần được lưu trữ ở tủ lạnh. Tại một số cơ sở y tế đã xảy ra hiện tượng nhầm lẫn giữa các loại vaccine với nhau.

Để tránh tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo không bảo quản vaccine Moderna và Pfizer gần nhau trong tủ lạnh. Sau khi rã đông, cần cất chúng ở các vị trí hoặc ngăn kệ riêng biệt. Ngoài ra, không nên đặt vaccine ở cạnh bất cứ loại thuốc men nào khác.

Chương trình Lỗi Vaccine Quốc gia không ghi nhận báo cáo tử vong nghiêm trọng liên quan đến sự cố dạng này, song một số người đã bị tiêm nhầm insulin hoặc thuốc chẹn thần kinh cơ khi đến chủng ngừa Covid-19. Một trường hợp được báo cáo ở Mỹ, hai bệnh nhân được tiêm adrenalin thay vì vaccine Moderna. Một người báo cáo nhịp tim nhanh, song không người nào chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài.

Một số cơ sở y tế có thể tiêm vaccine sai liều lượng hoặc độ tuổi. Nhiều người được tiêm liều lượng thấp hơn cho phép. Tình trạng này xảy ra do nhân viên y tế rút vaccine từ lọ sai cách thức, khiến dịch tiêm rỉ ra ngoài.

Hôm 14/1, một nhân viên của Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore (SNEC) bị tiêm nhầm lượng vaccine của hãng Pfizer tương đương với 5 liều tiêm. Theo SNEC, người phụ trách pha loãng vaccine được gọi đi làm việc khác trước khi hoàn thành công việc. Do chưa được thông báo, nhân viên thứ hai lầm tưởng liều vaccine đã sẵn sàng để sử dụng. Sai sót được phát hiện ngay chỉ vài phút sau khi tiêm.

Tại Việt Nam, sau sự cố 18 trẻ 2-6 tháng tuổi ở Hà Nội bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 của Pfizer thay vì vaccine 5 trong 1, Bộ Y tế đêm 5/11 yêu cầu siết chặt quy trình 3 bước kiểm tra trước, trong và sau tiêm. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khuyến cáo tuân thủ nguyên tắc “3 tra 5 chiếu” khi tiêm vaccine, gồm: Kiểm tra tên người bệnh, tên thuốc, liều thuốc; đối chiếu nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc, chất lượng thuốc, đường dùng thuốc, số giường và số phòng. Đây là nguyên tắc nằm lòng đối nhân viên y tế, nhằm đảm bảo sự an toàn và tránh nhầm lẫn trong dùng thuốc.

Thục Linh (Theo General Surgery News, CNN)

CLOSE
CLOSE